Tả về người bà của em – Bài số 1
Hình ảnh bà là hình ảnh đẹp và thiêng liêng trái tim tôi. Bà ngoại người mà tôi kính yêu, người luôn quan tâm, yêu thương tôi nhất.
Bà tôi thương tôi lắm! Tôi nghe mẹ tôi kể rằng: Đó là ngày tôi sinh ra đời, trời mưa to, một mình bà ngoại ngồi dưới cổng bệnh viện. Lúc ấy, bố tôi có nói: "Bà ơi, bà mau về nhà kẻo cảm lạnh, có tin gì con sẽ báo cho nhà sau." Với một giọng nhẹ nhàng, bà nói: "Không sao, bà muốn xem cháu bà ra sao, ở nhà cũng có người trông rồi, con cứ yên tâm." Khi tôi được sinh ra, bà là người đầu tiên bế tôi, cũng là người đặt cho tôi cái tên rất ý nghĩa: Thanh Bình. Ý của bà như muốn một cô cháu gái duy nhất của bà được hưởng một cuộc sống bình yên, mãi mãi vui vẻ.
Nghe xong câu truyện ấy, tôi đã rất xúc động, tôi cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay bà bồng bế tôi, bàn tay ấy là tấm lòng yêu thương, quí mến mà bà dành cho tôi.
Hằng ngày, bà tôi một tay đảm đương hết công việc nhà. Sáng sớm, tôi đã thấy bà dậy quét sân, lau nhà. Bà làm bữa ăn sáng và mời cả nhà. Mỗi khi tôi đi học về, bà đều ngồi trước thềm nhà đón tôi. Tôi rất thích mỗi khi bà cười, trông bà như trẻ ra bao tuổi vậy. Vì thế tôi luôn cố gắng học, giành nhiều điểm tốt về đem khoa với bà.
Có lần, tôi thấy bà ngồi hát một mình. Những câu hát của bà tôi nghe sao thân thương, quen thuộc đến vậy. Hồi nhỏ, bà thường đung đưa võng ru ngủ tôi. Phải chăng trong lời ru ấy chứa chan biết bao tình thương, mong ước của bà cho tôi?
Vào những tối thứ bảy, bà thường gọi chúng tôi ra sân nghe bà kể chuyện. Chúng tôi say sưa nghe bà kể chuyện. Giọng bà trầm mà ấm làm sao! Dưới ánh trăng, câu chuyện của bà lung linh, huyền ảo. Mỗi câu chuyện bà đưa chúng tôi vào một thế giới thần kì với muôn vàn màu sắc như truyện về Cô Tấm, Chàng Thạch Sanh,… Những câu truyện ấy cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ, mỗi câu chuyện bà kể như một lời khuyên bào chúng tôi.
Năm tôi học lớp hai, bà tôi bị ốm. Bà tôi tuổi đã cao nên bà bị bệnh, cả nhà ai cũng lo lắng. Ngày hôm đó, tôi ngồi gấp những chú hạc với mong muốn bà sẽ khỏi ốm. Ngày còn bé, mỗi khi tôi khóc, bà là người đã dỗ tôi bằng cách gấp những chú hạc xinh xinh chờ mẹ về. Qua ba ngày, bà tôi tỉnh dậy, thấy tôi khóc, bà xoa đầu tôi:
– Cháu ngoan, bà vẫn khỏe, cháu đừng khóc nữa!
Tôi ngậm ngùi nói:
– Bà ơi, nhất định bà phải khỏe lại để sống bên cháu, bà nhé! Những chú hạc này cháu gấp dành tặng bà.
Bà tôi lúc ấy tươi cười rạng rỡ khi nhìn thấy những chú hạc mà tôi gấp tặng bà. Mấy ngày sau đó, tôi nghe tin bà tôi không qua khỏi, tôi đã rất buồn.
Mặc dù người bà mà tôi hằng kính yêu đã sang thế giới bên kia, mãi mãi không quay trở về, nhưng tôi luôn tự nhủ phải học thật giỏi, thật ngoan để bà có thể tự hào về cô cháu gái tươi vui, hồn nhiên, trong sáng của bà.
Tả về người bà của em – Bài số 2
"Bà hiền như suối trong" Đây là câu thơ mà em rất thích. Bởi vì em rất yêu bà của em. Bà đã chăm sóc em từ lúc lọt lòng và đã ru em bằng những câu hát ru êm dịu, ngọt ngào.
Bà em là một người phụ nữ tần tảo, đầy nghị lực. Bà luôn phải chống chọi với lưng còng. Tóc bà bạc phơ. Hai má bà đã hóp, thái dương hơi nhô. Trên khuôn mặt bà đã có nhiều nếp nhăn nhưng bà vẫn có những nét đẹp của bà thời con gái. Đó là khuôn mặt hình trái xoan, chiếc mũi cao và hàm răng đều. Tuy lưng bà còng, chân đi chậm nhưng bà vẫn tham công tiếc việc, chẳng mấy khi ngồi không. Từ sáng sớm, bà đã dậy cho gà ăn, nấu cơm, đun nước, quét nhà, quét sân… Mọi việc xong xuôi thì bà lại vác cuốc ra vườn cặm cụi xới đất, nhổ cỏ, tưới cây, bón phân cho cây.
Bà rất hiền và tốt bụng. Với con, với cháu bà yêu thương hết mực. Lần nào em về với bà, bà cũng có bánh hay kẹo cho em, khi thì kẹo lộc của bà đi lễ chùa, khi thì bánh của các bác về thăm nhà biếu bà. Dặc biệt bà chẳng bao giờ quên hỏi han về việc học hành của em và công việc của bố mẹ em. Bà luôn căn dặn nhắc nhở em về cách cư sử với mọi người và phải chăm học. Với hàng xóm láng giềng, bà luôn thăm hỏi, chia sẻ khi ốm đau ; giúp đỡ người kém may mắn, gia đình khó khăn.
Em luôn kính trọng và mong bà sống lâu bởi em luôn hiểu rằng: tình thương yêu bà dành cho em là vô tận
Tả về người bà của em – Bài số 3
Gia đình em là một gia đình lớn, gồm: ông bà nội, ba má, cô út và hai chị em em. Em nhỏ nhất nhà nên trong nhà, ai cũng quan tâm và chăm lo cho em nhiều lắm. Có thể nói, bà nội em là người “đứng mũi, chịu sào” trong việc lo toan vun vén và sắp xếp mọi hoạt động trong nhà và cũng là người gần gũi và quan tâm đến em nhiều nhất. Em yêu quý và kính trọng nội em vô cùng.
Năm nay, bà nội em năm mươi chín tuổi. Bà nội đã nghỉ hưu được bốn năm rồi. Khi chưa nghỉ hưu, nội em là giáo viên bậc Tiểu học gần nhà. Khi chưa nghỉ hưu, nội em rất trẻ và rất đẹp. Năm ấy, nội năm lăm tuổi mà chưa ai đến nhà nói đúng tuổi nội. Bà nội đứng bên cạnh mẹ em, trông như hai chị em. Chắng ai nghĩ đó lại là mẹ chồng với nàng dâu. Năm nay, bà nội 59 tuổi. Tuy lớn tuổi nhưng trông bà nội em vẫn rất trẻ. Ai cũng nói nội em chỉ khoảng 50 tuổi là cùng. Nội em có khuôn mặt trái xoan, có sông mũi dọc dừa, đôi mắt to, lông mày đậm hơi cong tự nhiên, không tỉa tót nên rất đẹp. Bà nội em ăn mặc giản dị nhưng rất nền nã. Nội em toàn chọn những màu hơi tối như tím than, xanh dương đậm, tím đậm. Có lẽ da nội trắng nên mặc những màu đó, bà nội càng trẻ, càng đẹp hơn. Khi còn đi dạy học, nội em thường đi giầy màu đen hoặc nâu. Khi ở nhà, bà nội em đi đôi dép lê màu đen hoặc trắng.
Từ ngày nghỉ hưu, suốt ngày bà nội em chẳng chịu nghỉ ngơi mà lúc nào cũng luôn tay. Có thể nói, nội em là người của công việc. Buổi sáng, nếu mẹ em đi làm ca thì bà nội là người lo mọi công việc của một người nội trợ như quét dọn, nấu nướng, giặt giũ…. Vì thế, đi học về, hôm nào em cùng có sẵn cơm ngon, canh ngọt. Khi làm hết mọi việc trong gia đình, bà nội lại nghĩ ra nhiều món ăn mới. Nội ghi ghi, chép chép cách nấu để ngày chủ nhật liền đó thế nào cả nhà cũng có một bữa ăn với những món ăn rất ngon bà nội đã tự sáng chế ra. Thương bà nội vất vả, em luôn tranh thủ thời gian để giúp nội những việc lặt vặt trong nhà như quét dọn nhà cửa, đánh ấm chén,…
Bà nội em sống rất nghĩa tình và tốt bụng. Bà con lối xóm ai cũng nể trọng bà và luôn lấy bà nội em ra làm tấm gương để dạy bảo con cháu. Với em, bà nội còn là nơi em gửi gắm niềm vui, nỗi bụồn. Có những chuyện em không thể tâm sự được vợi mẹ nhưng lại có thể nói với bà. Những lúc ấy, bà nội em quả thực là điểm tựa tinh thần vững chắc cho em.
Nội em đúng là người phụ nữ có vẻ đẹp truyền thống. Nội đẹp về ngoại hình, đẹp về tâm hồn và cũng rất đẹp trong những việc làm. Em vô cùng yêu quý, kính trọng và biết ơn bà nội của em. Em sẽ luôn chăm học, chăm làm, hiếu thảo với bà nội để bà vui, bà sống lâu trăm tuồi cùng con cháu.
Tả về người bà của em – Bài số 4
Những câu hát đó còn vang mãi trong lòng tôi. Vâng! bà là người tôi kính yêu nhất, gần gũi nhất.
Bà ngoại – người đã chăm sóc, nuôi nấng tôi từ khi còn đỏ hỏn nên hình dáng bà đã khắc sâu trong tâm trí tôi. Năm nay bà đã ngoài 60 tuổi nhưng mái tóc bà vẫn đen. Những nếp nhăn hằn trên khuôn mặt phúc hậu, mỗi khi bà cười ánh mắt bà toát lên vẻ hiền từ ấm áp. Tuy tuổi đã cao nhưng bà tôi vẫn còn khoẻ. Bà là người trẻ hơn so với tuổi bởi vóc dáng thấp đậm. Khuôn mặt tươi, phúc hậu, giọng nói trầm ấm. Đôi mắt tinh sáng và trí nhớ rất tốt. Bà là một nhà giáo nghỉ hưu, giỏi văn thơ và là một trong những hội viên của Câu lạc bộ Thơ ca xã nhà. Tôi rất thích đọc thơ bà, thích nghe bà kể chuyện. Bà thường kể cho tôi nghe về những ngày tôi còn nhỏ được bà vỗ về, chăm sóc như thế nào. Trong một tuần học tôi chỉ mong đến ngày thứ bẩy, chủ nhật để được về bà chơi. Những trò chơi mà tôi không thể nào quên, nào là chơi bài, chơi tam quốc…Tôi về bà không chỉ để chơi vui mà còn thưởng thức các món ăn bà nấu. Tuy bà nấu hơi đậm so với khẩu vị của tôi nhưng dù bà có mặn hay nhạt thì với tôi nó đều là các món ăn ngon hết sẩy. Bà tôi đã chăm sóc cho tôi từ hồi tôi còn là một cậu bé thơ ngây đang bi bô tập nói nên tình cảm bà cháu đối với tôi thật sâu sắc. Đáng nhớ nhất là hồi mùa hè lớp hai, buổi sáng tôi cùng bà đi bộ tập thể dục. Khi về bỗng ào cơn mưa đổ xuống, mặc dù đã trú mưa nhưng hai bà cháu vẫn ướt. Buổi đó tôi bị cảm, bà đã thức trông tôi và tận tình chăm sóc tôi. Bà nấu cháo ngải ép tôi ăn, rồi bà nấu lá xông giúp tôi mau khỏi bệnh. Càng gần bà tôi càng thấm thía tình cảm bà dành cho tôi lớn lao nhường nào. Bà tôi! Một người phụ nữ đảm đang trung hậu, bà tần tảo nuôi 6 người con ăn học, giờ lúc về già lại chăm bẵm 6 người cháu nội, ngoại tận tuỵ hết lòng. Từ lúc sinh ra hai anh em tôi luôn được hưởng tình yêu thương vô bờ bến của bà. Có bà tôi như có một kho báu lớn, có thứ của cải mà không gì sánh nổi. Cũng bởi vì thế mà bà luôn có ảnh hưởng đối với những người xung quanh. Ai cũng nể phục bà về tính nghị lực và tình thương con, quý cháu của bà.
Tôi thương và kính yêu bà biết nhường nào. Tôi tự hào vì mình là cháu ngoại ngoan của bà. Tôi thầm hứa sẽ học thật giỏi để không phụ công ơn và tình thương bà đã dành cho tôi.
Thanh Bình tổng hợp
Từ khóa tìm kiếm nhiều:
- viết 1 đoạn văn tả ngoại hình của bà ngoại em gồm mái tóc đôi mắt khuôn mặt làn da vóc người